Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Huế tháng 5, dịu dàng và thơ mộng

Chữ sau khi từ Huế về, từ sổ tay, chả biết viết lúc nào.

Trước giờ không để ý nhiều đến Huế,vì giọng nói nặng trịch nghe qua tivi, lại thấy nó cứ sến sến. Vậy mà lần đi Huế tháng 5, làm thay đổi cái nhìn toàn cục.
Huế nhẹ nhàng không phô trương, Huế dịu dàng hiền hòa lắm, những con đường nhỏ, rợp bóng cây xanh, lặng lẽ và khiêm nhường.
Ở Huế quán hàng ăn nhiều vô kể, thứ gì cũng rẻ, đến bất ngờ, dường như nhà nào cũng kiếm một món gì đó bày ra bán,vài củ khoai lang, khoai mì, xoon bún bò, dĩa bánh bèo, bánh cuốn, miếng chuối chiên, nồi chè, mâm bánh khoái…Tôi phải hỏi chị, nhà nào cũng bày ra bán, mỗi thứ vài ba chút như chơi đồ hàng, có lời không hả chị?” “họ bán có phải vì lời đâu, mà giờ còn bán còn vui, đến tháng mưa, đến mùa lũ, không bán được đâu hề”.
Về Huế, cả thành phố thấm đầy mùi tâm linh vì đúng ngày Phật đản, quán bán đồ mặn đóng cửa gần hết, tối đến, nhà nào cũng bày 1 mâm cúng trước sân, đốt hương, vàng mã khấn vái cho những linh hồn khuất mặt khuất mày. Chắc là người thân của họ, và cả những vong linh vất vưởng không được thờ cúng trong một gia tiên nào (nhiều trong số đó từ tết Mậu thân).
Thành phố những ngày này như sống chung với những linh hồn người chết, sống chung với quá khứ huy hoàng và đau thương, thành quách cung đình và những cái tên đầy màu quý tộc còn in đậm quá khứ vàng son, và còn của nhiều bức tường lỗ chỗ ghim đầy dấu đạn, của chiều đi qua bãi Dâu thấy mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, chị vỗ tay hoan hô hòa bình; của tiếng ca Khánh Ly trầm than vang vọng khắp ngõ ngách trong kinh thành xưa.
Có hẳn một nhà trưng bày giới thiệu của bác Lê Bá Đản hiện đang sinh sống ở nước ngoài và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị (các tác phẩm rất đẹp). Mà không có nhà lưu niệm nào của Trịnh Công Sơn. Huế vô duyên và kì quái vậy sao?!?
--- đến đây không thấy chữ nữa,hình như xé tờ tiếp theo làm nháp rồi ----